Cho thuê trang sức cưới: Những vấn đề cần hỏi về tổ chức đám cưới tiết kiệm
Lên kế hoạch trước cho đám cưới thật thông minh, cặn kẽ, bạn sẽ có một ngày trọng đại vô cùng hoàn hảo và không cần tốn quá nhiều chi phí không đáng có. Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!
Giai đoạn chuẩn bị
1. Không tổ chức đám cưới vào cuối tuần
Vì hầu hết mọi người đều muốn tổ chức đám cưới vào cuối tuần nên chi phí đặt bàn, thuê trang phục cũng theo đó mà đắt đỏ hơn. Nếu không có gì trở ngại, hãy chọn tổ chức đám cưới vào ngày thường, bạn sẽ ngạc nhiên về những khuyến mãi, phần trăm giảm giá mà các trung tâm tiệc cưới đưa ra vào những ngày này đấy.
2. Lên kế hoạch đám cưới càng sớm càng tốt
Ngoài việc đặt thuê địa điểm dịch vụ sớm tứ 6 tháng đến 1 năm có thể tránh được việc giá cả leo thang thì thời gian rộng rãi còn là cơ hội để bạn tìm kiếm cho mình nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.
3. Cưới vào thời điểm trước cao điểm mùa cưới
Lúc này giá cả vẫn chưa “đội” lên nhưng thời tiết cũng đã đủ đẹp để có một đám cưới trong mơ.
- Địa điểm
Tìm một địa điểm mà bạn không bị ép sử dụng tất cả dịch vụ đi kèm hay nhà cung cấp của họ
Sẽ hữu ích nếu bạn biết được những nguồn cung cấp hoa tươi, thiết kế backgroup, món tráng miệng… giá cả phải chăng. Ngay cả MC hay nhóm múa nếu bạn có được sự giúp sức từ bạn bè cũng sẽ tiết kiệm một khoản đáng kể…
Xem xét việc tổ chức đám cưới trong các hội trường
Hội trường của trường học, hội quán, tổ chức… nơi bạn công tác, làm việc đều có thể “mượn” để tổ chức. Như vậy, bạn chỉ sẽ mất tiền trang trí và thuê người nấu ăn, phục vụ mà thôi.
- Thức ăn và đồ uống:
Tiệc cưới không cứ phải 5 – 6 loại thịt khác khác nhau
Đa dạng món ăn cũng sẽ dẫn tới chi phí cao hơn. Nếu bạn tổ chức đám cưới ở hội trường và đặt dịch vụ nấu ăn thì có rất nhiều phương án ngon – bổ – rẻ. Chẳng hạn chỉ những món làm từ thịt heo, thịt gà hay cá… mua nguyên liệu với số lượng lớn phía dịch vụ sẽ có giá rẻ, như vậy họ cũng sẽ đưa cho bạn giá thành rẻ hơn. Chỉ cần phối hợp với nhiều nguyên liệu rau củ khác nhau thì dù chỉ thịt heo bữa tiệc sẽ không vì thế mà kém ngon.
Bánh cưới giả
Tại sao không? Có mấy ai ăn chiếc bánh cưới ấy đâu, nó chỉ có mỗi tác dụng khi cô dâu chú rể cắt bánh. Vậy nên hãy đặt 1 chiếc bánh cưới có nhân là giấy cactong hay xốp phủ kem ở ngoài, bạn sẽ tiết kiệm không ít.
Giới hạn bia
Khách khứa uống thả cửa say xỉn gây náo loạn, còn bạn lại phải gánh thêm chi phí. Chi bằng hãy giới hạn bia cho mỗi bàn. Hình thức để bồi bàn châm bia cho thực khách thay vì để họ tự do khui cũng là cách để làm nản lòng các “bợm nhậu” vì chờ đợi.
- Trang trí và hoa cưới
Chọn địa điểm không cần trang trí nhiều
Địa điểm có tính nghệ thuật, có hoa cỏ, bãi biển… sẽ tạo nên cảnh đẹp tự nhiên không cần phải trang trí nhiều, giảm thiểu phần lớn chi phí.
Hoa giả
Không nhất thiết cứ phải là hoa tươi mới đẹp. Công nghệ làm hoa giả hiện nay rất tiến bộ, cho ra đời nhiều loại hoa giả còn đẹp hơn hoa thật nên hãy để nhà cung cấp dịch vụ sử dụng nó cho đám cưới của bạn.
Những vấn đề cần hỏi về tổ chức đám cưới tiết kiệm
- Hỏi
Cách tiết kiệm khi tổ chức đám cưới như thế nào? Xin các bạn tư vấn dùm mình.
- Chị Xuân chia sẻ
Chị Xuân (Thanh Trì, Hà Nội) vừa tổ chức đám cưới hồi tháng 5 chia sẻ, nhờ tham khảo kinh nghiệm của bạn bè nên đã tiết kiệm được rất nhiều khoản không cần thiết.
Ở khoản thiệp cưới, chị nhờ một người bạn giỏi đồ họa thiết kế mẫu vừa đẹp, vừa độc đáo. Sau đó, chị mang đi in màu trên giấy cứng nên giá thành tính ra chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng một chiếc thiệp. Trong khi đó, nếu đặt thiệp ở các cửa hàng, giá hiện nay tầm 4.000-6.000 đồng một chiếc.
Nếu điều kiện tài chính không cho phép, các đôi cũng không nên quá cầu kỳ trong việc lựa chọn nhẫn cưới. "Đây chỉ là vật kỷ niệm nên không quan trọng giá cả hay thương hiệu. Do đó, vợ chồng mình ra một tiệm vàng ở gần nhà, chọn một đôi hơn 3 triệu đồng. Trong khi những công ty lớn, giá thường cao hơn vì nhẫn được làm cầu kỳ và đắt ở thương hiệu", chị Xuân cho hay.
Chị Xuân cho biết, khoản váy cưới cũng có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền nếu cô dâu chịu khó tìm kiếm. Hiện trên nhiều diễn đàn có hội những người cho mượn váy cưới. Các cô dâu có thể tìm hiểu nhóm này để nhờ mượn váy. Còn nếu muốn sở hữu một chiếc váy, cô dâu có thể tìm những người vừa cưới xong, đang có nhu cầu thanh lý.
"Những chiếc váy cưới thường được giữ gìn khá cẩn thận nên các cô gái cũng không quá khó khăn để chọn cho mình một chiếc ưng ý", chị Xuân nói.
Về phần mình, sau khi tham khảo các phương án, chị Xuân chọn mua chiếc váy trên 2 triệu đồng, cưới xong thanh lý lại giá 1,5 triệu đồng. Do đó, khoản váy cũng không phải chi quá nhiều tiền. "Trong điều kiện tài chính eo hẹp, làm như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ mà đám cưới vẫn đầy đủ", chị Xuân cho hay.
- Vợ chồng chị Tâm (Đống Đa) thì cho biết
Vợ chồng chị lại tiết kiệm được khá nhiều ở khoản chụp ảnh và quay phim. Nghe bạn bè khuyên, chị Tâm chỉ chọn gói chụp rẻ nhất. Ảnh ngày cưới, chị nhờ bạn bè chụp giúp sau đó lưu file mềm chứ không rửa. Việc quay phim trong ngày cưới chị Tâm cũng cắt bỏ.
"Rất nhiều bạn bè của mình chia sẻ, sau khi cưới, album ảnh và phim đều bị vứt xó. Có người còn nói đùa, chỉ khi nào ép con ăn mới dùng đến", chị Tâm cho hay.
- Chị Trang (Ba Đình) cũng chia sẻ
Chiêu "hai trong một" giúp các đôi vừa chụp được bộ ảnh cưới đẹp, vừa được đi hưởng tuần trăng mật. Trước khi cưới khoảng một tháng, vợ chồng chị đi Đà Nẵng chụp ảnh, kết hợp nghỉ ngơi. Chi phí cả chuyến đi và chụp ảnh của vợ chồng chị khoảng 15 triệu đồng.
"Vợ chồng mình coi đây là đi hưởng tuần trăng mật luôn nên sau khi cưới không đi nữa, coi như vẹn cả đôi đường. Chụp ảnh tại Đà Nẵng giá cũng mềm hơn so với ở Hà Nội", chị Trang cho hay.
- Chị Hồng (Cầu Giấy) chia sẻ thêm
Để tiết kiệm khoản tiệc cưới tại nhà hàng, các đôi nên chọn tổ chức vào ngày giữa tuần từ thứ Hai đến thứ Năm, giá sẽ rẻ hơn cuối tuần, lại có thêm nhiều chương trình khuyến mãi. "Việc tổ chức nhà hàng nào cũng nên tham khảo ý kiến của bạn bè để không chọn phải nơi chất lượng quá kém. Sau đó, trước khi quyết định nên đề nghị họ cho ăn thử một số món".
Tổ chức đám cưới nhỏ nên vợ chồng chị Hồng không được nhà hàng miễn phí một số khoản như dẫn chương trình, ca nhạc... "Do đó, mình nhờ bạn dẫn chương trình vừa vui, vừa tiết kiệm. Đến phần ca nhạc, bạn bè cũng thay nhau lên hát hoặc bật những bản nhạc có sẵn, không khí vẫn rất đầm ấm", chị Hồng cho hay.
- Bạn Hương Trà hỏi
Làm sao để tổ chức đám cưới tiết kiệm chỉ với 50 triệu đồng?
Năm nay em đã 24 tuổi, bạn trai em 28 tuổi, tụi em yêu nhau gần 3 năm rồi và dự định ra Tết sang năm sẽ tổ chức đám cưới. Hoàn cảnh bạn trai em rất khó khăn, bố mẹ mất, anh phải tự lập từ năm 21 tuổi. Ba mẹ em thì đã già, sau khi lo việc cưới xin cho anh trai và chị gái em thì gần như ba mẹ không còn tiền. Cho nên, muốn tổ chức đám cưới, tụi em sẽ phải tự lo.
Vì điều kiện hai gia đình khó khăn và ở xa, tụi em muốn tổ chức ở TP.HCM vì cả hai xa quê lâu, chủ yếu đồng nghiệp và bạn bè ở thành phố hết. Hai đứa đặt ra tiêu chí là làm đơn giản và tiết kiệm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu bởi mọi thứ bây giờ quá đắt đỏ.
Lương của cả em và bạn trai cộng lại mỗi tháng chỉ được hơn 10 triệu đồng và chúng em đã tiết kiệm được vỏn vẹn 50 triệu đồng. Em đang băn khoăn không biết phải cần bao nhiêu tiền thì đủ làm đám cưới và những khoản nào bắt buộc phải có, những khoản nào có thể có hoặc không? Tụi em đã tham khảo một vài đám cưới của bạn bè thì thấy ít nhất cũng phải có 70 – 80 triệu đồng mới tổ chức được. Số tiền còn thiếu tụi em lại chẳng vay được ai cả vì họ hàng toàn người không dư dật về tài chính.
>> Xem thêm: Cho thuê trang sức cưới
Với số tiền nhỏ như vậy, mong chuyên gia tư vấn cho em cách lên kế hoạch, phân bổ hợp lý số tiền cho đám hỏi, đám cưới, chụp hình, đãi tiệc, mua sắm chi tiêu… sao cho đơn giản, gọn nhẹ và tiết kiệm nhất. Bạn trai em tính vay tiền của ngân hàng tổ chức đám cưới xong xuôi thì chi trả. Theo các bạn có nên làm thế không? Cám ơn các bạn rất nhiều.
- Bạn Ánh Tuyết chia sẻ
Nhiều cặp vợ chồng sắp cưới tỏ ra lo lắng: “Tôi chỉ có số tiền nhỏ làm sao có thể làm đám cưới? Tôi sẽ mua sắm chi tiêu ra sao cho hợp lý tiết kiệm?”. Sự thật là tất cả các đám cưới đều rất tốn kém và để xác định được chi phí thực sự của một đám cưới là không dễ. Vì nếu có 500 triệu đồng, bạn sẽ có một đám cưới đẹp, hoành tráng với số khách lên tới cả nghìn người. Nhưng nếu bạn chỉ có 100 triệu đồng hay ít hơn, bạn vẫn có thể làm đám cưới vui vẻ với ít khách mời, quy mô nhỏ hơn. Điều khó khăn với các cặp uyên ương là làm thế nào để thiết kế được một đám cưới có chi phí hợp lý, nằm trong tầm ngân sách.
Với ngân sách nhỏ khoảng 50 triệu đồng, bạn Hương Trà vẫn có thể tổ chức cho mình một ngày vui trọn vẹn. Tuy nhiên, bạn phải tính toán một cách chi tiết, liệt kê ra tất cả các khoản cần phải chi và ước lượng số tiền. Tiếp theo, đánh số thứ tự ưu tiên của các khoản chi cho đám cưới. Khi xác định được những thứ tự ưu tiên thì bạn sẽ dễ dàng tính chi phí cho đám cưới của mình.
Trung bình tổng chi phí cho một đám cưới ở Việt Nam với số khách mời dao động 300 người là khoảng 100 triệu đồng. Với ngân sách 50 triệu đồng, khách mời của bạn Hương Trà chỉ nên dao động từ 100 – 150 người, đãi tiệc tại những nhà hàng có giá từ 1 – 1,5 triệu đồng/mâm. Cụ thể hơn, hai bạn có thể tham khảo bản phác thảo chi tiết toàn bộ những việc cần làm, cách phân bổ chi phí cho một đám cưới tiết kiệm và ấm cúng trong bài.
Thống kê phần trăm của ngân sách có trị giá 50 triệu đồng:
- Trước cưới (25%): Thiệp cưới 2.000 – 3.000 vnđ/chiếc x 120 chiếc; Chụp ảnh cưới + trang điểm + váy cưới; Nhẫn cưới; Đồ đạc (chăn ga gối, vật dụng…) --> hết 12.500.000 VNĐ
- Ăn hỏi (15%): Áo dài cô dâu đi thuê; Vest chú rể đi thuê; Mua đồ tráp lễ ăn hỏi; Chi phí phông bạt, bàn ghế --> hết 7.500.000 VNĐ
- Đám cưới (50%): Thuê xe cưới; Vest chú rể đi thuê; Tiệc cưới (20 mâm x 1,5 triệu vnđ), đặt cọc trước 60% --> hết 25.000.000 VNĐ
- Chi phí khác (10%): 5.000.000 VNĐ
--> Tổng (100%) = 50.000.000 VNĐ
Sau khi phân chia ngân sách hợp lý với khoản cần ưu tiên (cỗ cưới, mua sắm đồ đạc, nhẫn cưới…), bạn Trà nên đầu tư nhiều tiền hơn và cắt giảm tối đa các khoản khác. Chẳng hạn, có thể gộp ngày ăn hỏi và ngày cưới vào một ngày. Do quê hai bạn ở xa, làm như vậy, sẽ không mất tiền hai lần để chi cho những việc như trang trí nhà cửa, cỗ cưới hay trang điểm, làm tóc, thuê xe... vừa giảm bớt phiền hà, mệt mỏi cho người thân lại vừa giảm chi tiêu.
Tiệc cưới chiếm phần lớn chi phí của đám cưới nên cách giảm thiểu tiền tổ chức đám cưới tốt nhất là hạn chế số lượng khách mời. Bạn Trà nên phân loại khách mời theo các tiêu chí sau:
1. Họ hàng thân thích;
2. Nhóm bạn bè chỉ mời những người thân thiết, thường xuyên liên lạc;
3. Nhóm đồng nghiệp nên chọn những người tiếp xúc hàng ngày, có liên quan gần gũi đến công việc;
4. Nhóm bạn xã hội, ngoài những người hay gặp gỡ thì chỉ mời những người đã mời bạn dự đám cưới của họ trong một năm trở lại đây. Với cách phân loại này, danh sách khách mời cuối cùng của bạn Trà sẽ rút gọn được khá nhiều so với lúc liệt kê ban đầu.
Tiếp theo, bạn Trà có thể thuê những địa điểm của phường xã tại nơi làm việc, sinh sống như nhà văn hóa, trường học, sân vận động rồi đặt tiệc lưu động, thuê người nấu cỗ tới bày tiệc ngay tại đó. Như vậy chi phí sẽ tiết kiệm được rất nhiều so với việc đặt tiệc tại khách sạn, nhà hàng. Giá thuê nấu cỗ hiện nay dao động khoảng 1 triệu – 1,4 triệu đồng/mâm, tiền thuê địa điểm 2 – 4 triệu đồng.
Với đám cưới quy mô nhỏ, tiệc cưới buffet cũng đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay bởi thực đơn phong phú, không gian gần gũi, thoải mái, thân thiện tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, chuyện trò với cô dâu, chú rể. Giá cả khá rẻ từ 150 – 300 ngàn đồng/suất.
Hoa cưới và thuê xe ô tô cũng là một trong những dịch vụ tốn kém của đám cưới. Vì vậy bạn Trà nên chọn mẫu hoa đơn giản, không nên chọn những loại hoa nhập khẩu hay hoa trái mùa vì giá sẽ cao hơn nhiều những loại hoa bình thường như hoa hồng, lan... Hiện nay có nhiều loại xe như Deawoo, Kia, Fiat hay Toyota vẫn đẹp và sang trọng, giá cả thuê của những loại này dao động từ 1 – 3 triệu đồng.
Với ngân sách eo hẹp, bạn Trà chỉ có thể dành cho nhẫn cưới khoảng 5 triệu đồng trở lại. Nhẫn cưới mang ý nghĩa tinh thần gắn bó với các bạn cả cuộc đời, không phải là vật để mua bán. Hai bạn nên chọn những chiếc nhẫn có chất liệu vàng hạng trung bình như vàng 10K, 12K hay 14K gắn pha lê thay cho đá quý với giá thành tiết kiệm. Cũng không nhất thiết phải có một bộ ảnh cưới hoành tráng, bởi thực tế sau đám cưới, bộ ảnh công phu và tốn kém này sẽ phải “thường trú dài hạn” trong tủ. Với mặt bằng giá cả hiện nay, bạn Trà nên chọn gói ảnh cưới (bao gồm cả album + trang điểm + áo cưới) khoảng 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó nên nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Ai có thể làm bánh cưới? Ai có thể làm MC dẫn chương trình? Ai có khả năng chụp ảnh? Hãy giao phần cắm hoa cho những bạn gái khéo tay. Nếu có bạn bè làm trong lĩnh vực trang điểm, mỹ thuật… thì đừng ngần ngại nhờ họ phụ trách mảng làm đẹp, thiệp cưới, trang hoàng tiệc cưới…
Cưới trái mùa hoặc ngày thường cũng là một gợi ý cho bạn Trà. Những tháng thấp điểm của năm, không phải ngày thứ bảy hay chủ nhật thì mọi thứ sẽ rẻ hơn, từ giá thuê váy cho tới tiệc cưới. Các cửa hàng thưa khách cũng sẽ phục vụ bạn kỹ càng và chu đáo hơn. Khách khứa bạn mời cũng sắp xếp thời gian dễ dàng, thư thả chứ không phải một ngày chạy sô nhiều đám.
Theo tôi, với một ngân sách đám cưới eo hẹp thì các bạn nên “liệu cơm gắp mắm”, không nên vay nợ ngân hàng. Bởi một đám cưới nhỏ gọn nhưng hạnh phúc, đáng nhớ bao giờ cũng ý nghĩa hơn một lễ cưới hoành tráng nhưng sau đó hai vợ chồng sẽ phải “kéo cày trả nợ” hoặc tìm mọi cách thu vén để đủ tiền cho cuộc sống vợ chồng.
Vì vậy, bạn Trà hãy đưa ra chi phí đám cưới dựa vào khả năng chi trả của mình, không nên tổ chức tốn kém, vay mượn vượt khả năng cho phép.
Với những tính toán trên, sau ngày cưới, khoản tiền mừng thu được, khi đã thanh toán 40% tiền tiệc cưới còn nợ. Phần còn lại, bạn Trà nên chia ngay ra hai khoản chính bằng nhau, trong đó một khoản để chi phí cho tuần trăng mật và mua sắm vật dụng cho gia đình mới. Phần còn lại gửi ngân hàng để phục vụ cho những dự định dài lâu. Nếu khéo chi tiêu thì sau đám cưới, bạn Trà có thể bước đầu tích lũy một khoản tài chính nho nhỏ để xây dựng mái ấm.
- Hỏi
Cách tổ chức đám cưới ngoài trời tiết kiệm như thế nào?
- Trả lời
Như các bạn cũng biết, ngày nay xu thế tổ chức đám cưới hoành tráng tại khách sạn lớn 5 sao luôn đòi hỏi một mức chi phí lớn hay việc thuê đơn vị cưới hỏi trọn gói cung cấp dịch vụ trang trí tiệc cưới ngoài trời hấp dẫn sẽ đòi hỏi một chi phí không hề nhỏ.
Tự tổ chức đám cưới tiết kiệm với cách làm như sau:
Bước 1: Tìm kiếm địa điểm tổ chức đám cưới cưới ngoài trời có thể tại nhà của bạn nếu diện tích rộng hoặc thuê địa điểm tại các khu resort hay công viên.
Bước 2: Sau khi đã lựa chọn được địa điểm các bạn bắt đầu lên kế hoạch thiết kế mẫu trang trí đám cưới như thế nào? Nhưng phụ kiện trang trí ra sao để tiến hành chuẩn bị cho hoàn hảo. Tuy nhiên, các bạn không nên trang trí quá cầu kỳ mà hãy trang trí đơn giản để tận dụng vẻ đẹp ưu ái của thiên nhiên.
Bước 3: Các bạn có thể tạo bạt không gian che chắn đề phòng mưa hoặc nắng gắt. Hay bạn có thể trang trí dàn đèn nháy trên cao nếu tổ chức đám cưới vào buổi tối nhằm tăng thêm phần lãng mạn. Hoa trang trí bạn chỉ cần sử dụng để trang trí bàn ghế tiệc cưới, lối đi và sân khấu cưới.
Bước 4: Thực đơn đám cưới như thế nào cho phù hợp nhất. Các bạn có thể tự làm tiệc buffet hoặc đặt nhà hàng và mang đến phục vụ tận nơi cho mình. Tiệc buffet sẽ là giải pháp giúp bạn khi bạn không có nhiều thành viên trong đội phục vụ đám cưới. Đặc biệt, các bạn hãy làm thực đơn bằng các thực phẩm theo mùa nhằm tiết kiệm chi phí tối đa.