Cảnh giác với 'sổ đỏ' giả thời công nghệ cao
Những "chuyên gia" làm giả dùng "sổ đỏ" thật scan để lấy bản mẫu, rồi đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp "sổ đỏ". Máy in phun màu sẽ "giúp" các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng.
Khi các chuyên gia giám định tài liệu của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội đưa ra 2 cuốn "sổ đỏ", lật đi lật lại, tôi cũng khó nhận ra đâu là sổ thật, đâu là sổ giả. Với công nghệ ngày càng hiện đại thì những giấy tờ giả do các đối tượng tội phạm sản xuất ngày càng tinh xảo và đã qua mặt không ít cơ quan Nhà nước…
Tại địa bàn Hà Nội, thống kê của Phòng Kỹ thuật hình sự, từ đầu năm 2008 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận từ Công an các quận, huyện, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP hàng trăm vụ việc liên quan đến "sổ đỏ", trong đó qua giám định đã phát hiện được 7 vụ sử dụng "sổ đỏ" giả để lừa đảo.
Điển hình như vụ Vũ Quốc Hội (33 tuổi) ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, cùng một số đối tượng khác làm giả sổ đỏ một mảnh đất tại Thanh Trì, sau đó mang đến phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền thế chấp vay vốn ngân hàng thì bị phát hiện. Công an huyện Thanh Trì khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý.
Thời gian gần đây, khi việc thế chấp "sổ đỏ" để vay tiền ngân hàng đã được siết chặt hơn thì các đối tượng chuyển hướng dùng "sổ đỏ" để thế chấp các cá nhân, các hiệu cầm đồ, thế chấp thuê ôtô rồi mang đi cầm cố ở nơi khác.
Trước đây, Công an huyện Từ Liêm đã thụ lý vụ Phan Gia Huy ở đường Láng, Đống Đa dùng một cuốn "sổ đỏ" giả để thế chấp thuê xe ôtô Innova của chị Nguyễn Mai Hương ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm. Chủ xe thì giữ gìn quyển sổ đó rất cẩn thận. Đến lúc không thấy người thuê xe quay lại, trình báo cơ quan Công an mới biết cuốn "sổ đỏ" mình đang giữ chỉ là giả.
Giám định các "sổ đỏ" giả trên cho thấy sổ giả có hình thức và màu sắc không khác sổ thật, khó mà phân biệt bằng mắt thường.
Trước đây, các đối tượng làm giả "sổ đỏ" dùng thủ đoạn tẩy nội dung trên "sổ đỏ" thật để điền nội dung mới, hoặc móc nối với những cán bộ địa chính thoái hoá để mua bản phôi "sổ đỏ" thật, sau đó in nội dung mới lên.
Hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ số và sự tiện lợi, phổ biến của các loại máy móc kỹ thuật số, việc làm giả giấy tờ, trong đó có "sổ đỏ" được các đối tượng xấu thực hiện đơn giản hơn rất nhiều. Các đối tượng dùng "sổ đỏ" thật scan để lấy bản mẫu, sau đó đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp "sổ đỏ". Máy in phun màu sẽ "giúp" các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng - in "phiên bản" của "sổ đỏ" thật trên chất liệu giấy bìa cứng.
Với thủ đoạn làm giả "sổ đỏ" kiểu này, các đối tượng chỉ cần ngồi nhà hô "biến" để trở thành chủ mảnh đất bất cứ nơi nào chúng muốn nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Hiện nay, ngoài các giao dịch sử dụng "sổ đỏ" được cơ quan có thẩm quyền công nhận, rất nhiều giao dịch dân sự khác đang được các cá nhân dùng "sổ đỏ" làm tài sản tín chấp, thế chấp để vay mượn với những khoản vay lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
>> Bất động sản
Trước thủ đoạn mới của tội phạm làm "sổ đỏ" giả, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự khuyến cáo các tổ chức và cá nhân khi nhận "sổ đỏ" cho vay, nên thông qua các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan giám định để xác định độ tin cậy của các loại giấy tờ này, phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng hoạt động lừa đảo
>> Mua bán nhà đất quận Tân Bình
Những mánh lừa bán đất dự án bị lật tẩy
Gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra hàng chục vụ lừa đảo bán đất dự án của các trùm bất động sản ảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Cơ quan công an đã vào cuộc và lật tẩy hàng loạt mánh khoé lừa đảo.
Tự lập công ty, vẽ dự án… “ma” để bán đất
Cho đến ngày 15/11 vừa qua, dù phải ra trước vòng móng ngựa, có lẽ Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc Công ty Sàn bất động sản Việt Nam vẫn không ngờ mình bị cơ quan công an bắt và khởi tố. Tại phiên tòa, Bàng vẫn khăng khăng khẳng định, nếu được tha sẽ tiếp tục thực hiện các dự án.
Mặc dù, công ty không có khả năng tài chính, chức năng đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh, tuy nhiên, từ tháng 3 - 7/2009, Bàng cùng với Hoàng Văn Cường (Giám đốc công ty Cường Thịnh) và Hà Tuấn Linh (Giám đốc công ty Hoàng Hà) đã "vẽ" lên 4 dự án bất động sản thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.
Nhóm Bàng - Cường - Linh tự đặt tên các dự án là 683, Lộc Hòa, Cửu Long, Phương Đông, thuê thiết kế dự án. Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Hoàng Hà nhận là chủ đầu tư 4 dự án trên.
Bàng sau đó rao bán nhà tại các dự án này, trực tiếp giới thiệu và cam kết tính khả thi để người mua tin tưởng, giao tiền dưới hình thức "hợp đồng vay vốn" để đăng ký mua căn hộ.
Trong 4 tháng, Bàng đã thu tiền, chiếm đoạt của gần 400 người với số tiền hơn 346 tỷ đồng. Trong số này, Bàng chuyển cho Cường gần 166 tỷ đồng, Linh 54 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Bàng đã khắc phục được tiền cho 131 người, còn hơn 202 tỷ đồng chưa có khả năng thanh toán.
Tại phiên xử hôm 16/11vừa qua, Bàng cho rằng nếu được tha sẽ tiếp tục thực hiện các dự án. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định, bị cáo không được các ngành chức năng cấp đất cho các dự án trên. Bị cáo không có căn cứ pháp lý chứng minh đất của 4 dự án đó là của mình.
Không chỉ có vụ của Bàng và đồng bọn, trong thời gian qua, cơ quan CSĐT cũng đã lật tẩy hàng loạt các vụ lừa bán bất động sản tương tự. Vụ Nguyễn Sỹ Quyết (tức Nguyễn Sĩ Điều), Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Kinh Đô ôm 63 tỷ đồng bỏ trốn; vụ Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam cùng đồng phạm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng trong việc bán nhà chia lô tại “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”… điểm chung của những vụ án lừa đảo táo tợn này là các đối tượng đã tự thành lập công ty, tự đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch HĐQT, giám đốc rồi vẽ các dự án “ma” và rao bán.
Trong vụ án Nguyễn Hữu Trọng và dự án “ma” mang tên “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”; địa chỉ lô đất C12-1 khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) vốn thuộc quyền sử dụng của một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của một “đàn chị” chuyên lừa đảo là Nguyễn Nha Trang - một trùm lừa đảo bất động sản vừa được cơ quan CSĐT Công an Hà Nội tạm tha, Trọng đã lừa được rất nhiều đối tượng.
Trong lần đi “khảo sát thị trường”, Trang và Trọng nhận thấy khu đất có vị trí đẹp, đã nảy sinh ý đồ lừa đảo các đối tượng này đã vẽ lên dự án bằng việc “chế” giấy tờ giả gồm các quyết định của UBND TP Hà Nội về việc cho phép Công ty CP Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam được sử dụng chính thức 5.127m2 đất tại ô đất C12-/ĐX1 khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở dân cư chất lượng cao; quyết định ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết khu nhà ở dân cư tiêu chuẩn cao tỷ lệ 1/500; biên bản bàn giao đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội...
Rất tinh quái, những văn bản giả mạo này được các đối tượng dùng con dấu giả, chữ ký giả trực tiếp lên bản photocopy có nội dung giả mạo để lừa đảo. Chỉ trong chưa đầy một tháng, các đối tượng đã bán được 8 lô đất “ảo” với số tiền đặt cọc lên đến gần 30 tỷ đồng…
Sự thật của cái gọi là … “suất đất ngoại giao”
Đọc được trên mạng nhan nhãn người giao bán các suất đất ngoại giao, Hà Anh Tuấn, 29 tuổi, Phú Thọ với chiêu thức làm giả giấy tờ có thể mua suất đất "ngoại giao" ở khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức (Hà Nội) với giá rẻ đã dễ dàng chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng của 9 nạn nhân. Qua các mối quan hệ quen thân, Tuấn có thông tin về dự án khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức (do Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng HUD1 là chủ đầu tư).
Anh ta soạn thảo các văn bản trong đó có việc HUD1 bán đất "ngoại giao" ở khu đô thị Vân Canh cho một tổng công ty. Hình dấu và chữ ký của lãnh đạo công ty HUD1, Tổng công ty HUD được Tuấn photo lại từ những văn bản có thật khác rồi ghép vào văn bản giả.
Để lừa được nhiều người mua, Tuấn đưa văn bản giả trên cho những người môi giới bất động sản, hứa sẽ chi hoa hồng cao. Tin tưởng những giấy tờ Tuấn đưa ra là có thật, chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều người đã mắc bẫy. Ngày 6/8, Tuấn bị Công an Hà Nội đã bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Phú Thọ.
Làm giả con dấu, chữ ký của các cơ quan chức năng…để lừa
Trong muôn vàn chiêu lừa bán dự án bất động sản của các trùm bất động sản ảo thì chiêu làm giả con dấu, chữ ký của các cơ quan chức năng cũng được khá nhiều đối tượng áp dụng.
Mới đây, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã tống đạt kết luận điều tra vụ án làm giả con dấu, chữ ký của TGĐ Công ty TASCO để lừa đảo, bán đất dự án tại khu đô thị mới Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Với chiêu làm giả con dấu, chữ ký để lừa bán đất dự án, hai “kiều nữ” đã lừa của các bị hại với số tiền lên tới hơn 42 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, từ tháng 7/2010, Đặng Thị Kim Dung (trú P. Phương Liệt, Q. Thanh Xuân, nguyên cán bộ Hiệp hội XNK thủy sản VN) đã bán 2 lô đất tại dự án khu đô thị mới Vân Canh cho vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Anh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đồng thời Dung nhờ anh Tuấn Anh tìm người mua để Dung bán tiếp 10 lô đất cũng nằm trong dự án này. Dung cho biết đây là số đất của ông Lâm, mua của Công ty TASCO nhờ bán. Nếu bán được, anh Tuấn Anh sẽ được hưởng phần môi giới.
Với tài ăn nói khôn khéo, Dung quen và bán tiếp 10 lô đất cho chị Nguyễn Thị Thành (ở quận Thanh Xuân), do không đủ tiền nên chị Thành bán lại cho chị Hoàng Phương Thảo (trú huyện Từ Liêm, Hà Nội). Chị Thảo đã trả cho chị Thành 34 tỷ đồng. Nhưng khi cầm hợp đồng góp vốn giữa ông Lâm với Công ty TASCO và phiếu thu tiền của Công ty TASCO, chị Thảo phát hiện ra toàn là giấy tờ giả nên đã trình báo với cơ quan công an.
Sau khi xem xét kỹ số giấy tờ giả trên, cơ quan công an mời Dung lên làm việc. Theo lời khai của Đặng Thị Kim Dung thì Dung đưa cho Đặng Thị Thiên Hương (trú P. Khâm Thiên, Q. Đống Đa, Hà Nội, họa sĩ thiết kế) hợp đồng và phiếu thu của Công ty TASCO được photo đen trắng, rồi nhờ Hương chuyển từ dấu mực đen sang dấu mực màu đỏ để ghép vào các giấy tờ nhà đất nhằm lừa đảo người mua. Khi làm xong giấy tờ, Dung trả cho Hương 300 triệu đồng (số tiền này đã được chồng bị can Hương nộp lại cơ quan điều tra).
Khi có được bộ giấy tờ giả, Dung đã lừa bán cho chị Nguyễn Thị Thành và anh Nguyễn Tuấn Anh, chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thu được 29 tỷ đồng, còn hơn 13 tỷ đồng Dung chiếm đoạt chưa thu hồi được.